Răng tốt cho cuộc sống tươi đẹp |
1. Nhớ lại Hội nghị khoa học Răng hàm mặt toàn quốc lần thứ Nhất được tổ chức năm 1978 tại Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn - Tổng Bí thư của Đảng đã đến dự. Trong bài phát biểu của mình, ông nhấn mạnh: “Phải triển khai công tác dự phòng các bệnh răng miệng cho nhân dân. Làm sao để đồng bào ta tránh được các bệnh răng miệng thì tốt hơn là mắc rồi mới chữa, mất răng rồi mới làm răng giả…”. Tôi được cố GS.VS. Phạm Song - Bộ trưởng Bộ Y tế từ những năm 1980 cho biết về chỉ đạo của Thủ tướng với công tác nha học đường. Ông nhớ lại, vào khoảng năm 1987, khi đó ông là Thứ trưởng Bộ Y tế đã cùng Bộ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân và ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục được mời đến gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông đã bất ngờ khi Thủ tướng nhắc tới công tác chăm sóc răng miệng cho trẻ em học đường. Ông còn bất ngờ hơn khi Thủ tướng đề cập rất cụ thể đến các vấn đề liên quan đến công tác này và yêu cầu Bộ Y tế và Bộ Giáo dục phải chỉ đạo và triển khai ngay chương trình nha học đường để chăm sóc dự phòng các bệnh răng miệng cho trẻ em ngay từ lứa tuổi học đường. 2. Ngày 21/10/1987, Bộ Y tế và Giáo dục đã ban hành Thông tư liên bộ số 23/TT-LB quy định về nhiệm vụ, tổ chức thực hiện công tác nha học đường. Năm 1988, Chương trình nha học đường đã được triển khai ở Hà Nội, Hải Dương, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Tới năm 1990, hầu hết các tỉnh trong cả nước đã có chương trình nha học đường lần lượt được phủ kín. Nhờ chương trình nha học đường, hàng chục triệu học sinh đã được chăm sóc răng miệng tại trường. Chương trình đã mang lại hiệu quả to lớn về phòng bệnh và vấn đề kinh tế, xã hội. Song song với chương trình nha học đường, ngành răng hàm mặt còn quan tâm triển khai dự phòng sâu răng cho cộng đồng với các dự án đưa fluor vào nguồn nước ăn và đưa fluor vào muối ăn cho cộng đồng. Từ năm 2013, Lào Cai là địa phương đầu tiên của khu vực châu Á được sử dụng muối fluor để dự phòng sâu răng cho cộng đồng. Sau giai đoạn 1, dự án muối fluor sẽ được mở rộng ra cả nước để dự phòng sâu răng là bệnh đang có xu hướng gia tăng ở nước ta. 3. Do các bệnh răng miệng có tỷ lệ người mắc cao tới trên 90% dân số cho nên điều trị cho cả cộng đồng là rất khó khăn, tốn kinh phí và thực tế cho thấy không nước nào có thể đáp ứng được nhu cầu điều trị. Nếu cả cộng đồng hàng chục triệu người đều phải điều trị và làm răng giả thì chi phí sẽ rất lớn, có nước mỗi năm chi hàng chục tỷ USD chỉ để điều trị sâu răng và hậu quả của sâu răng. Hơn thế nữa, các bệnh răng miệng còn là các ổ nhiễm khuẩn tiềm tàng trong khoang miệng, là nguyên nhân gây ra các bệnh nội khoa toàn thân như viêm cầu thận, viêm nội tâm mạc, viêm khớp, các bệnh đường tiêu hóa... Chính vì vậy, cả Tổ chức Y tế Thế giới và FDI đều đã kêu gọi các nước quan tâm dự phòng các bệnh răng miệng cho trẻ em và cộng đồng. Qua thực tiễn mấy thập niên triển khai nha học đường và dự phòng các bệnh răng miệng ở Việt Nam cũng như xu thế của các nước trong khu vực và trên thế giới đã chứng minh rất thuyết phục rằng sự chỉ đạo quyết liệt của hai vị lãnh tụ nước ta từ trên 30 năm trước là vô cùng sáng suốt. Với trí tuệ lớn, với trách nhiệm cao cả và tình thương yêu đồng bào, hai đồng chí đã có những chỉ đạo và định hướng sáng suốt, mang lại lợi ích sức khỏe to lớn cho hàng chục triệu trẻ em và cộng đồng, mang lại ấn tượng sâu sắc cho đội ngũ y, bác sĩ ngành răng hàm mặt trong cả nước. Nhân sự kiện này, chúng tôi mong rằng cộng đồng cả nước hãy quan tâm chăm sóc răng miệng cho bản thân và kêu gọi toàn thể các y bác sĩ ngành răng hàm mặt hưởng ứng bằng các hành động thiết thực vì sức khỏe răng miệng cộng đồng. Răng tốt cho cuộc sống tươi đẹp. TTND.PGS.TS. Trịnh Đình Hải (Chủ tịch Hội RHM VN)
|