Vệ sinh “góc con người” ngừa nhiều bệnh

(SKDS) - Sức khỏe răng miệng liên quan mật thiết đến sức khỏe toàn thân. Vệ sinh răng miệng kém có thể dẫn đến các bệnh tại chỗ như viêm lợi, viêm quanh cuống răng, sâu răng, viêm họng, viêm amidal… và các bệnh toàn thân như bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, hô hấp, tiểu đường… Vì vậy, vệ sinh răng miệng khoa học vừa đảm bảo sức khỏe răng miệng, vừa giữ cho cơ thể khỏe mạnh, tránh được các bệnh nặng liên quan đến răng miệng.

Lợi ích khi đảm bảo vệ sinh răng miệng

Nhiều nghiên cứu cho biết: vi khuẩn gây viêm nhiễm răng lợi có thể xâm nhập vào máu gây các bệnh tim mạch. Cho nên việc đảm bảo vệ sinh răng miệng tốt có ý nghĩa phòng tránh được bệnh tim mạch. Nếu bạn không mắc bệnh răng miệng thì bạn cũng rất ít bị viêm nhiễm toàn thân.

Nghiên cứu của Trường Đại học Harvard Mỹ cho thấy: bệnh viêm lợi và bệnh viêm khớp dạng thấp có mối liên quan rất mật thiết vì viêm lợi làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở các khớp theo cơ chế bệnh tự miễn; cơ chế phá hủy các mô ở bệnh lợi và phá hủy khớp xương trong bệnh viêm khớp dạng thấp rất giống nhau. Hạn chế bệnh tiểu đường: những người mắc bệnh viêm lợi, bệnh răng miệng lâu ngày không khỏi là dấu hiệu chỉ điểm mắc bệnh tiểu đường.

Trái lại, người bệnh tiểu đường nếu không khống chế đường huyết dễ mắc bệnh viêm lợi. Tuy mối liên hệ giữa bệnh răng lợi và sinh thiếu tháng ở phụ nữ có cơ chế rất phức tạp, còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá nhưng các nhà chuyên môn vẫn khuyến cáo phụ nữ khi mang thai cần giữ vệ sinh răng lợi để tránh các rủi ro cho mẹ và cho con.

Vệ sinh răng miệng khoa học

Muốn có hàm răng khỏe đẹp, bạn cần chải răng thường xuyên, đúng cách hằng ngày. Về số lần chải răng, bạn có thể áp dụng một trong các cách sau: cách tốt nhất là chải răng buổi sáng lúc thức dậy, sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Hoặc chải răng ít nhất 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi chải răng, cần làm sạch răng không để thức ăn bám vào răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tạo nên vôi răng.

Ngoài bàn chải răng thông thường, nên sử dụng thêm các phương tiện hỗ trợ như bàn chải kẽ răng, tăm nước, chỉ nha khoa. Dùng kem đánh răng có fluor để ngăn ngừa sâu răng. Tuy bạn đã chải răng bằng bàn chải nhưng vẫn phải dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám ở cổ răng tương ứng với kẽ giữa 2 răng, vì vẫn còn tới 40% diện tích răng bàn chải chưa làm sạch được ở kẽ răng. Ngoài ra, bạn cũng cần làm sạch lưỡi bằng cách dùng bàn chải cạo hoặc dùng que cạo lưỡi cạo nhẹ nhàng cho sạch lưỡi.

Trường hợp bạn không có sẵn bàn chải để chải răng trong các trường hợp đi công tác, dã ngoại…, bạn cần dùng nước súc miệng tạo bọt để đẩy thức ăn ra ngoài và hạn chế vi khuẩn lên men thức ăn bám ở răng lợi gây hôi miệng. Hoặc sau khi ăn, bạn nhai kẹo cao su không đường vì nhai kẹo cao su giúp miệng tiết nước bọt, hạn chế các mảng bám trên răng.

Về ăn uống: việc cung cấp đủ canxi, photpho, flour và các vitamin A, C và D là rất cần thiết. Các chất này thường đã có đủ trong một chế độ ăn cân bằng thông thường. Bạn cần hạn chế ăn thức ăn ngọt như bánh kẹo, nước đường; nên bỏ thuốc lá, thuốc lào nếu bạn đang hút.

Nhiều chuyên gia khuyên rằng nên tráng miệng sau bữa ăn bằng những loại thực phẩm có chất xơ như trái cây để cọ xát nhẹ trên răng và đánh bật các mảng bám. Thực hiện việc khám răng định kỳ 6 tháng/lần để được phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng. Bạn cũng cần năng luyện tập để hoạt động thể lực giúp điều hòa lượng đường huyết ổn định.

Cách đánh răng đúng

Ðánh răng đúng cách như sau: chải thứ tự mặt ngoài, mặt nhai và mặt trong răng; chải ở mỗi vị trí từ 5 lần trở lên. Cách chải mặt ngoài và mặt nhai: đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm răng, chải theo chiều từ chân răng đến mặt nhai với động tác nhẹ nhàng; tránh đưa bàn chải theo chiều ngang vì sẽ làm mòn chân răng; chải cẩn thận mỗi vị trí là 2-3 răng (tương đương với chiều dài của bàn chải) và chải tuần tự cho sạch tất cả các răng.

Chải mặt trong: cầm bàn chải tay phải để chải mặt trong hàm răng bên trái, chải nhẹ nhàng từ chân răng đến mặt nhai cả hàm trên và hàm dưới; đổi tay trái cầm bàn chải để chải cho mặt trong hàm răng bên phải. Không nên chải răng quá nhiều lần, quá nhanh, quá mạnh làm chảy máu lợi và nướu răng.

ThS. Nguyễn Văn Doanh

 

 

Video Tư Vấn